Tin Tức


Trang chủ > Thông cáo báo chí > Những di sản kiến trúc trên tuyến metro ...

14/05/2021

Những di sản kiến trúc trên tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên

Với chiều dài gần 20 km, tuyến đường sắt đô thị số 1 đi qua nhiều công trình kiến trúc có tuổi đời hơn trăm năm, mang tính biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh, như chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, xưởng đóng tàu Ba Son… Khi đưa vào khai thác tuyến metro này, người dân thành phố và du khách sẽ vừa tận hưởng tiện ích của phương tiện giao thông hiện đại vừa có cơ hội lướt qua những di sản văn hóa, lịch sử của Sài Gòn xưa mỗi ngày.

Chúng ta hãy nhìn lại bốn công trình, di sản văn hóa - lịch sử tiêu biểu nằm tại ba ga ngầm trên hệ thống metro số 1 này.

Chợ Bến Thành

Đây là ngôi chợ lớn giữa Sài Gòn, do một hãng thầu của Pháp là Brossard et Maupin xây dựng, hoàn thành vào tháng 3/1914. Chính quyền đương thời đã tổ chức lễ khánh thành gọi là lễ khai thị chợ Bến Thành mới. Sự kiện được báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”, gồm các hoạt động vui chơi kéo dài ba ngày đêm 28, 29 và 30/3 năm đó, thu hút hơn 100.000 người tại Sài Gòn và các tỉnh đổ về.

Trung tâm Sài Gòn xưa tại khu bùng binh chợ Bến Thành năm 1920 -- Ảnh sưu tập của Dương Hiệp.

Trước đó, ban tổ chức lễ khai thị chợ Bến Thành mới đã thông báo khắp lục tỉnh Nam kỳ. Các thương gia người Hoa, người Ấn... nghe thông tin đã thi nhau đổ xô tới giành mua sạp ở chợ Bến Thành mới để bán thuốc lá, tơ lụa, thực phẩm... Ngày khai thị, người các tỉnh từ miền Đông Nam kỳ tới miền Tây Nam kỳ đã nô nức hẹn nhau mua sắm và ngoạn cảnh chợ Bến Thành mới. Dân lục tỉnh vui vẻ bảo nhau: "Xem được lễ khai thị một lần chết cũng sướng!"

Lễ hội tổ chức rầm rộ. Ngày khai trương, sáng hôm khai mạc có múa lân, thao diễn võ thuật, nhạc bát âm và có cả ban nhạc của nhà binh Pháp tới hòa nhạc giúp vui. Tối khai trương có pháo bông, xe bông, đèn xanh, đỏ giăng xung quanh chợ sáng trưng, người đi lại đông hơn ngày tết. Lễ khai thị có cả hát bội không lấy tiền giàn, không bán ghế, gọi là hát thưởng, để cho công chúng coi chơi giải trí.

Tiền thân của ngôi chợ này nằm ngay góc Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng bây giờ. Cái tên Bến Thành có nghĩa là trên bến có thành. Đánh chiếm thành Gia Định ngày 17/2/1859, chỉ một năm sau, một ngôi chợ Bến Thành mới được chính quyền Pháp ở Sài Gòn xây dựng lại, thay gian chợ trước đó hầu như bị hủy diệt hoàn toàn trong cuộc chiến. Nhưng ngôi chợ Bến Thành mới được bố trí vô sâu trong kinh chợ Vải, trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) chứ không nằm bến sông như ngôi chợ cũ.

Vị trí chợ Bến Thành cũ nay nằm trong phạm vi bốn con đường: Nguyễn Huệ - Hải Triều - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế. Ngôi chợ xây dựng rất nhanh và đi vào hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá như ngôi chợ Vải một gian đầu đường trước đó. Mười năm sau, năm 1870, có một gian chợ bị cháy và đó là cơ hội để ngôi chợ được xây dựng lại theo các nghị định của Thống đốc Nam kỳ lúc ấy (cấm nhà cửa, dinh thự ở nội ô Sài Gòn lợp tranh): cột gạch, sườn gỗ, lợp ngói (riêng gian bán thịt lợp tôn, lát đá granit).

Ngôi chợ xây dựng lại này cũng có năm gian bày bán đồ khô, cá, thịt, thực phẩm và tạp hóa.

Chính thức "hồi sinh", ngôi chợ Bến Thành ngay lập tức sống mạnh mẽ: ghe thuyền các nơi đổ về mua bán chật kênh Charner (nay là Nguyễn Huệ) trước chợ và rạch Cầu Sấu (nay là Hàm Nghi) góc trái sau chợ - hai đường nước lên xuống hàng hóa và khách đi chợ.

Năm 1887, kinh Charner bị lấp thành đại lộ Charner (dân lúc đó gọi là đường Kinh Lấp). Hai bên đường, nhà cửa người Việt, Hoa, Ấn, Miên... san sát, buôn bán sầm uất đến mức xung quanh chợ là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tòa soạn báo.

Nhiều năm hoạt động, ngôi chợ xuống cấp, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND thành phố) đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng thành phố Sài Gòn lúc ấy. Hội đồng thành phố lên kế hoạch làm chợ Bến Thành mới, xa nơi cũ, cụ thể ở khu vực ao, đầm Bồ Rệt (marais Boresse) với kinh phí dự trù 400.000 franc, thực tế 975.000 franc (để so sánh, cùng thời điểm này nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Nguyễn Trãi hiện nay được xây dựng với kinh phí 1,5 triệu franc). Khi chợ Bến Thành mới được khai thị vào tháng 3/1914, chợ Bến Thành cũ bị giải tỏa để xây dựng ngân khố (trước 1975 là Tổng nha Ngân khố, nay là Kho bạc Nhà nước).

Nhà hát Lớn

Chiếm lĩnh vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, nhà hát Lớn được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật cũng như tổ chức các sự kiện lớn. Tọa lạc trên con đường đắt đỏ tại trung tâm thành phố bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental, đây là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Flamboyant và được xem như một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.

Nhà hát có kiến trúc cổ kính, uy nghi với một tầng trệt, hai tầng lầu, 1.800 ghế, không khí thoáng, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa ballet, dân tộc, opera... cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Ngay từ năm 1863 đã có những đoàn hát từ Pháp sang trình diễn cho quân viễn chinh Pháp xem. Lúc đầu họ trình diễn tại ngôi nhà bằng gỗ của vị Ðô Ðốc tại Công trường Ðồng Hồ (Place de L’Horloge) ở góc Nguyễn Du - Ðồng Khởi hiện nay, sau đó một nhà hát tạm được lập ở vị trí khách sạn Caravelle ngày nay.

Nhà hát Lớn (Nhà hát Thành phố ngày nay) được khởi công xây dựng từ năm 1898. Ðầu năm 1900, nhà hát được khánh thành trọng thể. Mặt tiền của nhà hát được trang trí bằng nhiều tượng và phù điêu (như ở tòa Dinh Xã Tây, sau là Toà Đô chánh, nay là Ủy ban nhân dân thành phố)

theo kiểu cách kiến trúc thời bấy giờ. Vào giữa chiến tranh thế giới lần thứ I và chiến tranh thế giới lần thứ II, để đưa các đoàn hát từ Pháp sang trình diễn, thành phố phải trợ cấp nhiều. Vì thế nhiều người đã phản đối và có ý muốn biến nhà hát thành nhà hòa nhạc (salle de concert).

Mặt tiền nhà hát bị đánh giá là quá rườm rà. Dự án sửa đổi đã được đưa ra vào năm 1943, sau đó mặt tiền nhà hát được sửa chữa lại như ta thấy ngày nay. Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều.

Năm 1954, nơi đây được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève năm 1954. Năm 1955, nhà hát được tu bổ cải tạo nhưng lại được sử dụng với chức năng tòa Trụ sở Quốc hội (sau gọi là Hạ nghị viện) của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp kỷ niêm 300 thành lập Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt cải tạo và nâng cấp nhà hát, chính quyền cho phục hồi chức năng cũ là nhà hát thành phố, cũng như đã cho phục hồi một số trang trí như tượng hai nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn… Tổng kinh phí trùng tu, phục chế vào khoảng 25 tỉ đồng thời giá bấy giờ.

Khách sạn Continental

Đây là một khách sạn lịch sử nổi tiếng nằm trên đường Đồng Khởi. Khách sạn bắt đầu xây vào năm 1878 dưới thời Pháp, do ông Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây cất và dụng cụ trong nhà. Ông Cazeau muốn mở một khách sạn sang trọng để tiếp đón các du khách từ Pháp đến Sài Gòn sau một cuộc hải hành rất dài từ "mẫu quốc". Xây cất mất hai năm, khách sạn Continental khánh thành năm 1880.

Cùng trong khoảng thời gian này, những kiến trúc nổi tiếng khác cũng đã được người Pháp xây dựng tại Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà (năm 1880), Bưu điện Sài Gòn (năm 1886), và Tòa Đô Chánh Sài Gòn (năm 1898).

Năm 1911, khách sạn được bán cho Công tước De Montpensier (người xây Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết). Năm 1930, khách sạn lại được bán cho một tay trùm tội phạm từ đảo Corse tên Mathieu Francini. Francini quản lý khách sạn cho tới năm 1975. Trong những năm thập niên 1960-1970, khách sạn có tên là "Đại Lục Lữ Quán".

Khách sạn Continental đã tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene (tác giả Người Mỹ trầm lặng). Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khách sạn là nơi tụ họp của các ký giả, chính khách và thương gia ngoại quốc hoạt động tại Sài Gòn.

Xưởng tàu Ba Son

Trong “Gia Định thành thông chí”, tác giả Trịnh Hoài Đức viết: “Xưởng Chu Sư – ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, nhà làm gác để hải đạo thuyền cùng là dụng cụ thủy – chiến xưởng dài đến 3 dặm”. Trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ: “Xưởng Thủy nằm phía Đông thành Bát Quái. Nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền.”

Xưởng Ba Son nguyên là thủy xưởng của Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) lập ra để đóng chiến thuyền. Xưởng Ba Son nằm trên ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè, có diện tích 26 hecta, có đường ven sông 2.000m, trong đó có 6 cầu cảng dài tổng cộng 750m.

Nguyên xưa đây là vùng sình lầy nước đọng nên thường được dùng làm nơi đậu tàu và sửa chữa tàu. Sau khi chiếm được Sài Gòn - Gia Định, năm 1861 Pháp cho làm ụ tàu trên thủy xưởng đã có, tức là mảnh đất Ba Son bây giờ. Ngày 28/4/1863, Pháp chính thức thông qua dự án xây dựng thủy xưởng Ba Son tại Sài Gòn trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Năm 1884, Pháp cho đào và xây ụ lớn bằng đá, chi phí gần 8 vạn quan.

Đầu thập niên 1860, người Pháp đã có xưởng sửa chữa tàu thuyền l'Arsénal (Navy Yard) của hải quân Pháp tại Sài Gòn, tức là nhà máy Ba Son ngày nay. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, cơ sở này không đáp ứng đủ yêu cầu, nên người Pháp đã quyết định thiết lập một cảng nổi (floating dock) trên sông Sài Gòn để sửa chữa các tàu bè lớn cập cảng Sài Gòn. Cảng nổi này do công ty Randolph ở Glasgow của Scotland sản xuất từng bộ phận riêng rẽ. Tháng 5/1863, các bộ phận này được chở bằng tàu qua Sài Gòn để lắp ráp từ tháng 1/1864 đến tháng 5/1866. Chiều dài cảng nổi đủ để tiếp nhận sửa chữa các tàu lớn nhất cập cảng Sài Gòn vào thời gian này. Cảng nổi Sài Gòn có chiều dài 91,44 m, chiều rộng vòng ngoài 28,65m, chiều rộng vòng trong với phía trên 21,33m và phía dưới 13,71m; độ cao: 12,8m.

Xưởng đóng tàu Ba Son có lịch sử hơn 200 năm, nằm trong khu đất được xem là đẹp nhất nhì thành phố. Hiện nay, khu đô thị Vinhomes Golden River Bason đang triển khai, là một quần thể phức hợp gồm khu thương mại, văn phòng, căn hộ và biệt thự… trên đất của xưởng tàu Ba Son.

Dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, được khởi công vào năm 2012 và dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành năm 2021. Điểm đầu của tuyến metro này bắt đầu từ chợ Bến Thành, đi ngầm từ ga Bến Thành đến ga Ba Son tại khu đô thị Vinhomes Golden River, sau đó chạy dọc theo rạch Văn Thánh, rồi đi ngang qua sông Sài Gòn, chạy dọc theo xa lộ Hà Nội và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới (ga Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Toàn tuyến bao gồm 14 nhà ga và 1 nhà Depot, trong đó có 3 ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. Còn 11 ga còn lại là ga trên cao (từ ga Văn Thánh đến ga bến xe Miền Đông mới). Depot của tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên được đặt tại phường Long Bình, Quận 9, là khu trung tâm điều khiển, bảo dưỡng tàu tuyến số 1 đến năm 2040.

Minh Trần (Tổng hợp) -- Ảnh: nhiều tác giả

Sự kiện khác

“TOUR CHẤT” tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 sẽ diễn ra 4 ngày từ 28/3 - 31/3/2024 tại Khu du lịch Văn Thánh (TP. HCM). Trong lần thứ ba liên tiếp tham gia sự kiện này, Công ty Dịch vụ Lữ hành...

Khách sạn SÀI GÒN - MORIN HUẾ kỷ niệm 123 năm thành lập

Khách sạn Sài Gòn - Morin (thuộc Saigontourist Group) tròn 123 năm tuổi vào ngày 26/3/2024. Trải qua 123 năm hình thành và phát triển (1901 – 2024) với bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, khách sạn Sài Gòn -...

THÁNG 3/2024: LỮ HÀNH SAIGONTOURIST ĐÓN 8 CHUYẾN TÀU BIỂN QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Lữ hành Saigontourist đón tiếp và phục vụ tàu biển Azamara Journey (thuộc hãng Azamara Cruises) mang theo hơn 700 khách quốc tịch Âu, Mỹ, Úc đến Việt Nam từ ngày 2 - 5/3/2024, cập cảng Sài Gòn (TP.HCM) và cảng...