Tin Tức


Trang chủ > Thông cáo báo chí > Hè về Cà Mau sống chậm

25/06/2021

Hè về Cà Mau sống chậm

Những câu truyện trạng của bác Ba Phi thời khẩn hoang tận vùng đất Cà Mau xa xôi tôi đã nằm lòng từ thuở nhỏ tưởng chừng chỉ giúp vui cho người nông dân thuở xưa đến nay vẫn sống động nét văn hóa đậm chất Nam bộ. Có dịp về Cà Mau, tôi lại được trải nghiệm những ngày sống chậm thật ý nghĩa để thấy rằng hồn của vùng miệt thứ xa xôi thuở nào vẫn giữ nét duyên mộc mạc, dù nơi này đang thay da đổi thịt từng ngày.
 

Trò chuyện cùng “con cháu” bác Ba Phi

Một người bạn mới quen ở Cà Mau rủ tôi về nhà “chế” (chị) Hai Đang nằm ở kênh Chống Mỹ thuộc huyện Cái Nước, cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 50 phút đi xe máy. Nơi đây nổi tiếng với những thửa ruộng bồn bồn bạt ngàn đã tạo nên thương hiệu “Bồn bồn Cái Nước”. Nhà chế Đang nằm gần sát mặt lộ mới, nơi chồng chị và thằng con út tên Tiều là một trong những công nhân xây dựng con đường trải nhựa khang trang này xuống tận Sông Đốc.
Chế Đang nói vui với chúng tôi là nếu con đường đó xuyên qua mảnh vuông nhà chế thì gia đình giờ chắc lên đời lâu rồi. Nói vui thế nhưng trong ánh mắt của người phụ nữ ngoại tứ tuần vẫn luôn mãn nguyện về cuộc sống, nơi thiên nhiên ưu đãi với chim trời, cá nước, cây trái trong vườn. Cứ mỗi buổi sáng với tay hái mấy nhánh bù ngót, kéo mành lưới trong vuông tối qua giăng là đã có nồi cá nâu kho trái giác thơm ngậy ăn cả ngày.

Út Tiều dẫn chúng tôi đi thăm vuông, giở hơn chục cái lợp cua mà cậu đặt tối qua với miếng mồi cá phi to bằng 3 đốt lóng tay và sẵn tiện hái một ít bồn bồn để làm bữa trưa. Cậu huyên thuyên kể cho chúng tôi nghe về mảnh ruộng bồn bồn không biết gắn bó từ bao đời nay của gia đình. Cứ mỗi khi mùa mưa đến thì bồn bồn bắt đầu tươi tốt. Thời điểm đó đến hết mùa mưa, Tiều và gia đình lại thu hoạch cọng non, ngâm chúng để làm ra món dưa muối bồn bồn.

Chúng tôi đang hóng bữa trưa mà chế Đang nói sẽ rất đặc biệt dành cho người khách phương xa: Món bánh xèo dân dã với nhân cua và bồn bồn. Những con cua gạch bắt ở vuông đem luộc đỏ au, lấy thịt và gạch cua. Chế Đang bắt chảo dầu thật nóng, khử tỏi, hành tím cho thơm, sau đó cho thịt cua và bồn bồn non được chẻ nhỏ vào xào. Khi hỗn hợp vừa chín tới mới bỏ thêm gạch cua và gia vị để hoàn tất phần nhân bánh thơm lừng.

Thật ra, miền Tây thì nơi đâu cũng có món bánh xèo đặc trưng nhưng chưa bao giờ chúng tôi được thưởng thức món ăn ngon đến thế giữa một vùng đồng bằng ngập mùi cỏ sậy. Chế Đang nói cứ yên tâm vì đây toàn là những thứ nhà trồng với mâm rau vườn tươi xanh bắt mắt. Những loại rau mà dân Sài thành như tôi rất khó để tìm, nào là đọt chùm ruột, đọt cóc non, rau kim thất có vị thuốc, mớ xoài bằm chua chua, giòn giòn làm cho món bánh xèo trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.

Chế còn cho chúng tôi thử món chả cá phi được gói trong lá mướp, mang đi um với nước dừa tươi. Đây là món chỉ được làm trong các buổi tiệc thân mật hay cúng cơm của gia đình. Dọn mâm cơm ra, nhìn loanh quanh thấy còn thiếu thứ gì, chế Hai Đang gọi vợ Tiều lại bảo: “Kêu chồng mày ra bờ đê leo cây ớt của Ông Ba bẻ vài bụm ớt về đây làm nước chấm bánh xèo coi!”. Vợ Tiều cười tủm tỉm nhìn má chồng cũng đang cười như nắc nẻ. Lúc đó, chúng tôi mới nhận ra chủ nhà vừa nhắc đến câu chuyện truyền miệng cười ra nước mắt của bác Ba Phi về cây ớt to đến nỗi người ta có thể leo lên hái!

Lênh đênh trên “biển hồ miền Tây”
Chiều hôm đó, khi những con chim bắt đầu dáo dát tìm về tổ trên những ngọn đước cao cũng là lúc Tiều chuẩn bị chở chúng tôi ra đầm cách nhà chừng 20 phút chạy vỏ lãi chơi. Chiếc vỏ bắt đầu chạy dọc theo con kênh Chống Mỹ để xuôi về đầm Bà Tường, một đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được mệnh danh là “biển hồ miền Tây”. Đầm nằm trên địa phận ba huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời, được hình thành bởi ba đầm chính là Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới. Trong đó, Đầm Giữa là đầm lớn nhất.

Ra đến Đầm Trên, vỏ lãi đột ngột dừng lại do cơn sóng lớn. Khi Tiều khởi động lại, máy không nổ do bình ắc quy đã cạn. Tiều nhảy ùm xuống nước khiến chúng tôi cứ ngỡ anh chàng sẽ bơi để sửa chữa cho vỏ lãi hoạt động trở lại. Hóa ra, đầm cạn xìu chỉ đến thắt lưng cậu ấy. Tiều ra hiệu cho chúng tôi ngồi yên để cậu đẩy chiếc võ lãi ra hướng có ngôi nhà sàn giữa đầm nước mênh mông khi ánh hoàng hôn bắt đầu nhuộm đỏ một góc trời.
Tiều đề nghị với chúng tôi, trong lúc chờ người ứng cứu, cứ ở yên trên ngôi nhà sàn không mái, ngắm hoàng hôn và thử câu cá trên đầm. Chúng tôi hưởng ứng ngay. Tôi thích ở giữa khung cảnh sông nước mênh mông đó, giữa bốn bề gió lộng thổi qua những căn nhà sàn, mọi người kể nhau nghe những mẩu chuyện vui, những câu chuyện đời không đầu không cuối. Rồi đương lúc lâng lâng men nồng, ai đó cao hứng cất lên những câu ca, điệu vọng cổ chan hòa. Chỉ bấy nhiêu thôi là bao nhiêu ưu phiền, vất vả của cuộc sống chợt tan biến mất. Chỉ còn lại những tiếng cười giòn tan, những kỷ niệm khó phai nơi tận cùng Tổ quốc.

Chờ một lúc, chúng tôi vẫy tay một chiếc vỏ lãi khác, nhờ họ câu nối ắc quy, đề máy đuôi tôm trở về nhà. Đó cũng là lúc không gian xung quanh đã le lói những ánh đèn vàng giữa khung cảnh tím thẫm bao la trong yên bình.

Sông Đốc chuyển mình
Hôm sau, chúng tôi dạy sớm và chạy xe gắn máy về hướng thị trấn Sông Đốc, một thị trấn biển sầm uất nằm phía Tây của Cà Mau. Được thiên nhiên ưu đãi, Sông Đốc nằm giữa những thắng cảnh kế cận, gồm hòn Đá Bạc, cửa biển Cái Đôi Vàm và ngoài khơi là đảo Hòn Chuối. Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của Sông Đốc trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển hàng hóa, khách du lịch...
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao thương, Sông Đốc còn có nhiều làng nghề biển như làng nghề đan lưới, làng nghề làm cá khô và nhiều di tích chùa chiền… Từ nhà chế Hai Đang, chúng tôi chạy về hướng biển chừng 25 phút. Qua phà là đến trung tâm thị trấn, khu chợ Sông Đốc kẻ đến, người đi tấp nập trên thuyền, dưới bến. Xung quanh, bên tai tôi là âm thanh chim yến ríu rít. Hầu như ngôi nhà cao tầng nào ở đây cũng đều nuôi yến. Tiếng gọi chim yến làm tổ phát ra inh ỏi cả một khu thị trấn. Hoạt động nuôi chim yến là một điển hình về mức độ phát triển nhanh tại khu vực nội thị và các khu dân cư, làm thay đổi vùng quê vốn dĩ yên ả, thanh bình.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Ba Mễn, chủ một doanh nghiệp thủy sản ở thị trấn miền biển giàu tiềm năng này. Anh Ba hồ hởi cho biết Sông Đốc giờ khấm khá hơn xưa. Là cửa biển sầm uất và sôi động, ngành công nghiệp khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản của Sông Đốc hiện đứng đầu ngư trường biển Tây. Thị trấn có đội tàu hùng hậu tham gia hoạt động khai thác thủy sản đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1.400 chiếc. Trong tương lai không xa, Sông Đốc sẽ trở thành đô thị trung tâm công nghiệp của vùng bán đảo Cà Mau, trung tâm kinh tế đa năng, tổng hợp phía Tây của vùng Tây Nam Bộ.
Trước khi chia tay anh Ba, chúng tôi hẹn nhất định sẽ quay lại Sông Đốc để thấy vùng đất ấm no, thịnh vượng không chỉ dựa trên nguồn lợi tự nhiên mà bằng cả sức lao động bền bỉ của người dân nơi đây.

Gợi ý một số hành trình “sống chậm” ở vùng đất bác Ba Phi:
- Hành trình 1 ngày: Cà Mau – Cái Nước – Đầm Thị Tường – Sông Đốc – Cà Mau
- Hành trình 2 ngày: Cà Mau – Năm Căn – Đất Mũi – Xuyên rừng quốc Gia – Vườn chim Tư Na – Đầm Thị Tường – Sông Đốc – Cà Mau
- Hành trình 3 ngày: Cà Mau – Đầm Thị Tường – Sông Đốc – Trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt tôm, cá – Cà Mau.

Từ Cà Mau, bạn có thể thuê xe máy di chuyển hướng về Năm Căn, đến ngã tư Rau Dừa quẹo phải chừng 5 km để đến nhà “chế” Hai Đang. Nhà chế nằm ngay cây cầu Chống Mỹ. Từ đây, bạn sẽ có những ngày sống chậm thú vị với những món ăn dân dã địa phương do chính tay chủ nhà thực hiện. Bạn có thể thuê vỏ lãi ra đầm Bà Tường ngắm hoàng hôn, sau đó về nhà chế Hai ăn món cháo cua và nghe những câu chuyện tiếu lâm của vùng đất này. Hôm sau, bạn có thể đi xe máy lên thị trấn Sông Đốc, theo ngư dân trải nghiệm đánh bắt cá ở vùng biển tận cùng Tổ quốc.

Bài và ảnh: Những Bước Chân

Sự kiện khác

“TOUR CHẤT” tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 sẽ diễn ra 4 ngày từ 28/3 - 31/3/2024 tại Khu du lịch Văn Thánh (TP. HCM). Trong lần thứ ba liên tiếp tham gia sự kiện này, Công ty Dịch vụ Lữ hành...

Khách sạn SÀI GÒN - MORIN HUẾ kỷ niệm 123 năm thành lập

Khách sạn Sài Gòn - Morin (thuộc Saigontourist Group) tròn 123 năm tuổi vào ngày 26/3/2024. Trải qua 123 năm hình thành và phát triển (1901 – 2024) với bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, khách sạn Sài Gòn -...

THÁNG 3/2024: LỮ HÀNH SAIGONTOURIST ĐÓN 8 CHUYẾN TÀU BIỂN QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM

Lữ hành Saigontourist đón tiếp và phục vụ tàu biển Azamara Journey (thuộc hãng Azamara Cruises) mang theo hơn 700 khách quốc tịch Âu, Mỹ, Úc đến Việt Nam từ ngày 2 - 5/3/2024, cập cảng Sài Gòn (TP.HCM) và cảng...